28/03/2022
428
Bùi Lê Thanh Khiết
I. GIỚI THIỆU
Rác thải nhựa đại dương là các vật phẩm nhựa do con người sản xuất hoặc chế biến và tồn tại lâu trong môi trường, bị con người cố tình vứt xuống biển, sông, bãi biển; được đưa gián tiếp ra biển bằng sông, nước thải, nước mưa hoặc gió.
Nghiên cứu của Li và cộng sự (2016) đã khẳng định rằng 80% lượng rác thải nhựa sinh ra là có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền và 20% còn lại là từ các hoạt động ở đại dương.
Với nhiều hình dạng và kết cấu, nhựa thường được tìm thấy ở các môi trường khác nhau của đại dương. Cùng với đó là bản chất không phân hủy sinh học của nhựa làm cho chúng tồn tại lâu trong môi trường và điều đó dẫn đến nhiều tác động khác nhau.
Khu vực Đông Nam Á là một trong những nơi đóng góp chính vào lượng rác thải nhựa đại dương được tìm thấy trong môi trường trên toàn cầu. Trong một ước tính vào năm 2010, sáu quốc gia thành viên ASEAN được liệt kê trong danh sách 20 quốc gia hàng đầu quản lý chất thải không tốt, dẫn đến rò rỉ nhựa ra đại dương (Jambeck và cộng sự, 2015), nghiên cứu này ước tính hàng năm có khoảng 4,8 – 12,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, trong đó chỉ riêng Việt Nam đã thải ra từ 0,28 – 0,73 triệu tấn. Cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chịu trách nhiệm về hơn một nửa lượng nhựa đi vào các đại dương (Ocean Conservancy và Trung tâm McKinsey về kinh doanh và môi trường, 2015).
Bài tham luận này sẽ tập trung vào các điểm chính như sau:
II. RÁC THẢI NHỰA CÓ MẶT TRONG ĐẠI DƯƠNG ĐẾN TỪ ĐÂU?
Nguồn nhựa lớn nhất trong môi trường biển được coi là từ đất liền (Li và cộng sự, 2016). Bên cạnh đó, nhựa cũng có nguồn gốc từ các hoạt động biển mà chủ yếu đến từ hoạt động của tàu vận tải (Horsman, 1982) và tàu đánh cá (Merrell, 1980; Coleman và Wehle, 1984; Pruter, 1987, Chen và Liu, 2013).
Vào năm 2015, Jambeck và cộng sự đã công bố một nghiên cứu lớn về lượng rác thải nhựa từ đất liền ra môi trường biển. Các tác giả này đưa ra những con số cho thấy hàng năm có một lượng rất lớn rác thải nhựa từ các quốc gia ven biển. Jambeck và cộng sự (2015) dường như đã cung cấp cơ sở phù hợp để nghiên cứu tác hại của chất thải nhựa đối với sinh vật biển, động vật biển và các nghiên cứu về ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải nhựa trong môi trường biển.
III. ẢNH HƯỞNG CỦA RÁC THẢI NHỰA
a. Ảnh hưởng rác thải nhựa tới sinh vật
Các loài động vật biển và chim thường nhầm lẫn các mảnh rác thải nhựa thành thức ăn của chúng (Derraik, 2002; Gregory, 2009; Boerget và cộng sự, 2010). Hiện nay hơn 260 loài sinh vật biển được ghi nhận bị vướng hoặc ăn phải các mảnh nhựa trên biển (Ví dụ: Rùa nhầm lẫn túi ni-lông với sứa).
Với các mảnh rác nhựa trong dạ dày tích tụ, động vật sẽ không thể hấp thụ và dữ trữ đủ lượng thức ăn, dẫn tới giảm thể lực, thậm chí tử vong do đói. Một số loài động vật như rùa, cá voi, chim, v.v… đã được ghi nhận tử vong sau khi nhầm lẫn thức ăn với rác thải biển.
Đặc biệt ở các loài chim biển, với tập tính chim mẹ cho chim non ăn, những hạt nhựa sẽ được truyền qua chim non khiến chúng thường chứa nhiều nhựa hơn chim trưởng thành, do đó cũng dễ tổn thương hơn và nhiều khả năng dẫn đến cái chết (Gregory, 2009).
Thêm vào đó, với các chất phụ gia được thêm sản phẩm nhựa (như hydrocacbon đa hình (PAHs), hexachlorocyclohexane (HCH), v.v…), chúng gây ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh sản của động vật, tăng tần suất đột biến gây ung thư. Các chất phụ gia tạo màu trong nhựa tác động tiêu cực lên hệ thống nội tiết và điều hòa hormone trong cơ thể sinh vật.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra nhựa (mảnh nhựa lớn cũng như vi nhựa) cũng có thể tích lũy sinh học của các chất độc hữu cơ (các POPs bao gồm: dioxin, furan, PCBs, các loại thuốc trừ sâu toxaphene, DDT, aldrin, dieldrin, endrin, heptaclo, mirex, HCB, clordane) và vô cơ (chì, thủy ngân, asen, v.v…) từ môi trường đại dương (Moore, 2008). Do đó rác thải nhựa đặc biệt tăng nhanh sự tích lũy hóa chất độc hại đối với các loài sinh vật ăn phải và sinh vật trong chuỗi thức ăn (Hirai và cộng sự, 2011).
b. Ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội
Rác thải nhựa là một mối đe dọa tiềm tàng về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của chúng đến các hoạt động ven biển, làm giảm lợi ích kinh tế của việc đánh bắt ở các vùng ven biển (Newman và cộng sự, 2015). Rác thải nhựa cũng là nguyên nhân gây ra sự thay đổi và thậm chí phá hủy môi trường sống dưới nước, các rạn san hô và cỏ biển; ngoài ra, chúng còn có khả năng vận chuyển các loài sinh vật biển từ khu vực này sang khu vực khác thông qua sự di chuyển của rác nhựa (Sheavly và Register, 2007). Các loài sinh vật biển này sẽ được đưa đến một môi trường mới, nơi chúng có thể gây nguy hiểm cho các loài bản địa (Sheavly và Register, 2007).
Rác thải nhựa cũng gây nguy hiểm cho tàu. Ví dụ: lưới, dây thừng hoặc ngư cụ có thể gây cản trở hoạt động của tàu (Newman và cộng sự, 2015). Điều đó làm cho tàu phải ngừng hoạt động để sửa chữa các bộ phận hoặc tháo nhựa khi chúng bị vướng hoặc bị xoắn ở chân vịt và bánh lái (Newman và cộng sự, 2015). Túi ni lông là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tắc nghẽn và các vấn đề khác trong hệ thống ống nước (Sheavly và Register, 2007).
c. Ảnh hưởng tới con người
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rác thải nhựa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn (Thompson và cộng sự, 2009; Galloway và cộng sự, 2017). Talsness và cộng sự (2009) cho rằng rác thải nhựa có liên quan đến ung thư, sức khỏe sinh sản, sự phát triển mất cân bằng ở trẻ em và rối loạn chức năng miễn dịch. Nghiên cứu gần đây của Gallo và cộng sự (2018) cho thấy rằng việc hấp thụ các rác thải nhựa gây ra các hiện tượng như tổn thương DNA, thay đổi gen và protein, đông máu tế bào, mất khả năng sống của tế bào, viêm xương và tổn thương các cơ quan.
IV. Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG Ở VÙNG VEN BIỂN VIỆT NAM
Với chiều dài đường bờ biển hơn 3000 km cùng diện tích vùng biển lớn gấp ba lần so với đất liền, việc ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam là điều khó có thể tránh khỏi, mà nguồn gốc của ô nhiễm này đến cả từ đất liền và từ đại dương. Với số lượng sông ngòi dày đặc, đây là nguồn vận chuyển rác nhựa chính từ trong đất liền ra khu vực biển. Sông Soài Rạp (TP. Hồ Chí Minh) được ước tính nằm trong 20 con sông trên thế giới thải nhiều rác thải nhựa vào đại dương nhất với khối lượng vào khoảng 4.100 tấn/năm (Meijer và cộng sự, 2021). Theo kết quả khảo sát của GreenHub dọc theo bờ biển thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2021, lượng rác nhựa phát hiện thấy dọc bờ biển Việt Nam là vào khoảng 83,4% - 99,05% tổng số lượng rác ghi nhận được. Khảo sát cũng cho thấy có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và các vật dụng liên quan đến ngư cụ được tìm thấy dọc theo các bờ biển Việt Nam. Điều này phản ánh thói quen và ý thức tiêu dùng của người dân cũng như thực tiễn quản lý chất thải trong nước.
Số lượng rác thường cao hơn ở những bãi biển không có hoạt động dọn dẹp thường xuyên cho dù đó là thành thị hay nông thôn, cũng như du lịch hay phi du lịch. Nhìn chung, các bãi biển du lịch sạch hơn các bãi biển không du lịch. Bảng 1 và Hình 1 trình bày mười loại rác phổ biến nhất được tìm thấy dọc theo bờ biển ở Việt Nam.
Bảng 1. Mười loại rác biển phổ biến nhất tại bờ biển Việt Nam (Nguồn: Nguyen và cộng sự, 2022)
STT | Vật phẩm | % |
1 | Ngư cụ 1: Dây nhựa câu cá, mảnh lưới, mồi & dây câu cá, phao nhựa cứng | 17,65 |
2 | Mảnh nhựa mềm (chủ yếu từ túi nilong) | 17,24 |
3 | Ngư cụ 2: Polystyrenes – EPS, phao nổi | 13,37 |
4 | Túi nilong loại 1 (0-5kg) | 6,80 |
5 | Hộp đựng thức ăn bằng xốp | 6,50 |
6 | Mảnh nhựa cứng (từ đồ chơi, đồ bếp, vật phẩm không xác định) | 6,07 |
7 | Ống hút | 4,69 |
8 | Nhựa khác (dép, sản phẩm vệ sinh, tả, v.v.) | 2,69 |
9 | Vỏ bánh/kẹo | 2,68 |
10 | Bao bì thực phẩm còn lại | 2,44 |
Tổng % | 80,14 |
![]() | ![]() | ![]() | |
Mảnh nhựa mềm | Ngư cụ 1 | Ngư cụ 2 | Túi ni lông (0-5kg) |
![]() | ![]() | ![]() | ![]() |
Hộp xốp đựng thức ăn | Ống hút nhựa | Bao bì thực phẩm | Nhựa khác |
![]() | ![]() | ||
Mảnh nhựa cứng | Vỏ bánh/kẹo |
Hình 2. Mười loại rác phổ biến nhất dọc bờ biển Việt Nam (Nguồn: Nguyen và cộng sự, 2022)
Kết quả khảo sát dọc bờ biển cũng cho thấy là đa phần bãi biển ở Việt Nam đều nằm ở ngưỡng dơ, thậm chí có nơi là cực kỳ dơ (Bảng 2); tuy nhiên, khi so với một số nơi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì các bờ biển ở Việt Nam có mật độ nhìn chung thấp hơn.
STT | Vị trí khảo sát | Tên bãi biển khảo sát | Mật độ rác ghi nhận (mảnh rác/m2) | Mức độ sạch bờ biển |
1 | Hải Phòng | Đồ Sơn | 4,14 | Cực kì dơ |
2 | Cát Hải | 0,56 | Trung bình | |
3 | Thừa Thiên - Huế | Thuận An | 3,56 | Cực kì dơ |
4 | Đà Nẵng | Phạm Văn Đồng | 2,44 | Cực kì dơ |
5 | Nam Ô | 0,67 | Dơ | |
6 | Quảng Nam | Rạng | 2,72 | Cực kì dơ |
7 | Khánh Hòa | Vĩnh Nguyên | 1,71 | Cực kì dơ |
8 | Mỹ Ca | 9,60 | Cực kì dơ | |
9 | Bình Lập | 18,99 | Cực kì dơ | |
10 | TP. Hồ Chí Minh | 30/4 | 0,83 | Dơ |
11 | Sóc Trăng | Lai Hòa | 0,41 | Dơ |
12 | Hồ Bể | 9,29 | Cực kì dơ | |
13 | Phú Quốc | Sao | 8,35 | Cực kì dơ |
14 | Trường | 1,51 | Cực kì dơ | |
15 | Úc | Đảo Cocos | 21,6 | Cực kì dơ |
16 | Đảo Henderson | 239 | Cực kì dơ | |
17 | Indonesia | 41,6 | Cực kì dơ |
V. CÁC GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG
Với lượng rác thải nhựa thải ra đại dương hàng năm là rất lớn và là một trong top 5 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất trên thế giới, Việt Nam cần có những biện pháp mạnh mẽ cho việc giảm thiểu lượng rác nhựa phát sinh. Để giảm áp lực ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019) về quản lý rác thải nhựa trên biển đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau: (i) Thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết với thế giới nhằm giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương, đảm bảo ngăn chặn các nguồn rác thải nhựa, rác thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa trên biển; (ii) góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam, và (iii) nâng cao nhận thức, hành vi và thói quen của cộng đồng và xã hội về sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Tuy nhiên, việc hoạch định chiến lược về giảm thiểu nhựa cũng nên áp dụng các công cụ kinh tế tuần hoàn vốn được Ten Brink và cộng sự (2016) nêu ra, bao gồm:
Hình 3. Hơn 150 ngư dân và 30 tàu tại cảng cá Dân Phước (Phú Yên) tham gia dự án thí điểm về thu gom rác thải bằng tàu cá (Nguồn: Báo Đầu Tư)
VI. KẾT LUẬN
Hiện tại vấn nạn rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề toàn cầu và được nhiều quốc gia và tổ chức quan tâm trong đó có Việt Nam. Quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức do hiện tại có rất ít thông tin về sự phân bố rác nhựa tại vùng biển Việt Nam, chưa nói đến các môi trường khác; ngoài ra, rác thải nhựa nếu được xem là nguồn tài nguyên tái chế thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu lớn cho các nhà tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn giúp góp phần đạt được các mục tiêu bền vững do Thủ tướng Chính phủ đề ra. Do đó, việc thực thi Kế hoạch hành động quốc gia là rất cần thiết, cùng với việc áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn đang là một xu thế chung. Ngoài ra Việt Nam cũng cần phối hợp với các quốc gia và các tổ chức trong và ngoài nước để cùng chung tay giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đại dương.
Tác giả: Bùi Lê Thanh Khiết
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Boerger C.M., Lattin G.L., Moore S.L., Moore C.J. (2010) Plastic ingestion by planktivorous fishes in the North Pacific Central Gyre. Marine Pollution Bulletin 60: 2275 – 2278.
Chen C.L., Liu T.K. (2013) Fill the gap: developing management strategies to control garbage pollution from fishing vessels. Marine Policy 40: 34–40.
Coleman F.C., Wehle D.H.S. (1984) Plastic pollution: a worldwide problem. Parks 9: 9–12.
Derraik J.G.B. (2002). The pollution of the marine environment by plastic debris: a review. Marine Pollution Bulletin 44: 842-852.
Gallo F., Fossi C., Weber R., Santillo D., Sousa J., Ingram I., Nadal A., Roman D. (2018) Marine litter plastics and microplastics and their toxic chemicals components: the need for urgent preventive measures. Environmental Sciences Europe 30: 13.
Galloway T.S., Cole M., Lewis C. (2017) Interactions of microplastic debris throughout the marine ecosystem. Nature Ecology an Evolution 1: 116.
Gregory M.R. (2009). Environmental implications of plastic debris in marine settings - entanglement, ingestion, smothering, hangers-on, hitch-hiking, and alien invasions. Philosophical Transactions of the Royal Society, B 364: 2013-2026.
Hirai H., Takada H., Ogata Y., Yamashita R., Mizukawa K., Saha M., Kwan C., Moore C., Gray H., Laursen D., Zettler E.R., Farrington J.W., Reddy C.M., Peacock E.E., Ward, M.W. (2011). Organic micropollutants in marine plastics debris from the open ocean and remote and urban beaches. Marine Pollution Bulletin 62: 1683-1692.
Horsman P.V. (1982) The amount of garbage pollution from merchant ships. Marine Pollution Bulletin 13: 167–169.
Jambeck J.R., Geyer R., Wilcox C., Siegler T.R., Perryman M., Andrady A., Narayan R. and Law K.L. (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347: 768–771.
Li W.C., Tse H.F., and Fok L. (2016) Plastic waste in the marine environment: a review of sources, occurrence and effects. Science of the Total Environment 566-567: 333–349.
Luong N.D., Giang H.M., Thanh B.X., Hung N.T. (2013) Challenges for municipal solid waste management practices in Vietnam. Waste Technology 1: 6-9.
Meijer L.J.J., van Emmerik T., van der Ent R., Schmidt C., Lebreton L. (2021) More than 1000 rivers account for 80% of global riverine plastic emissions into the ocean. Science Advances 7
Merrell T.R.Jr. (1980) Accumulation of plastic litter on beaches of Amchitka Island, Alaska. Marine Environmental Research 3: 171–184.
Moore, C.J. (2008) Synthetic polymers in the marine environment: A rapidly increasing, long-term threat. Environmental Research 108: 131 – 139.
Newman S., Watkins E., Farmer A., Brink P., and Schweitzer J.P. (2015) The economics of marine litter. In: M. Bergmann, L. Gutow, and M. Klages (Eds) Marine Anthropogenic Litter (Berlin: Springer), pp. 371–398.
Nguyen, Thu-Trang T., Ngan-Ha Ha, Thanh-Khiet L. Bui, Kieu L.P. Nguyen, Diem-Phuc T. Tran, Hong Q. Nguyen, Ashraf El-Arini, Qamar Schuyler, and Thu T.L. Nguyen. (2022) Baseline Marine Litter Surveys along Vietnam Coasts Using Citizen Science Approach. Sustainability 14 (9): 4919. https://doi.org/10.3390/su14094919.
Ocean Conservancy and McKinsey Centre for Business and Environment (2015). Stemming the Tide: Land-based Strategies for a Plastic-Free Ocean. 48 pp.
Oehlmann J., Wagner M. (2009). Endocrine disruptors in bottled mineral water: total estrogenic burden and migration from plastic bottles. Environmental Science and Pollution Research 16: 278-286.
Pruter A.T. (1987) Sources, quantities and distribution of persistent plastics in the marine environment. Marine Pollution Bulletin 18: 305–310.
Sajiki J., Yonekubo J. (2003). Leaching of bisphenol A (BPA) to seawater from polycarbonate plastic and its degradation by reactive oxygen species. Chemosphere 51: 55-62.
Sheavly S.B., Register K.M. (2007) Marine debris and plastics: environmental concerns, sources, impacts and solutions. Journal of Polymers and the Environment 15: 301–305.
Talsness C.E., Andrade A.J.M. Kuriyama S.N., Taylor J.A., Vom Saal F.S. (2009) Components of plastic: experimental studies in animals and relevance for human health. Philosophical Transactions of the Royal Society B 364: 2079–2096.
Ten Brink P., Schweitze J.-P., Watkins E., Howe M. (2016) Plastics Marine Litter and the Circular Economy. A briefing by IEEP for the MAVA Foundation.
Thompson R.C., Swan S.H., Moore C.J., Vom Saal F.S. (2009) Our plastic age. Philosophical Transactions of the Royal Society B: Biological Sciences 364: 1973–1976.
{{item.user_name}}
{{item.content}}
{{datetime(item.created_time * 1000, 'DD/MM/YYYY HH:mm:ss')}}
Vui lòng Đăng nhập để viết trả lời của bạn
{{child.admin_reply ? 'Admin' : child.user_name}}
{{child.content}}