Bài viết Tìm hiểu về khoa học công dân và ứng dụng của nó trong giám sát rác thải biển
Bài viết Tìm hiểu về khoa học công dân và ứng dụng của nó trong giám sát rác thải biển

Tìm hiểu về khoa học công dân và ứng dụng của nó trong giám sát rác thải biển

Ngày đăng 25/03/202225/03/2022

Lượt xem472

Khoa học công dân được dần hình thành từ hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia hỗ trợ của các tình nguyện viên. Các dự án khoa học công dân đóng góp cho nhiều lĩnh vực đòi hỏi việc thu thập dữ liệu mẫu có quy mô lớn, bao gồm y tế, thiên văn học, lịch sử nghệ thuật và khoa học xã hội. Nó được chứng minh là có liên quan đặc biệt và phổ biến trong lĩnh vực khoa học môi trường, tiêu biểu là mảng giám sát rác thải biển.

 

1. Giới thiệu về khoa học công dân

Khoa học công dân là các dự án mà cá nhân và công chúng (những người không phải là chuyên gia) tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, thường có sự đi cùng và phối hợp của các nhà khoa học (Bonney và cộng sự, 2009, như được trích dẫn trong Hecker và cộng sự, 2018). 

Tình nguyện viên có thể đóng góp trong các dự án khoa học công dân theo nhiều cách, với mức độ từ thấp đến cao, ví dụ như: thu thập mẫu trên thực địa; ghi chép lại quan sát của mình; thực hiện các thí nghiệm đơn giản đến hỗ trợ phân tích dữ liệu hoặc đưa ra ý tưởng và đầu vào để thiết lập câu hỏi nghiên cứu. 

Những hoạt động mang đặc điểm cơ bản của Khoa học công dân đã có mặt từ sớm, khi con người bắt đầu sử dụng các phương pháp khoa học để cố gắng trả lời những câu hỏi về thế giới tự nhiên. Ở Anh vào thế kỷ XVII, nhà tự nhiên học John Ray đã tuyển dụng các tình nguyện viên để thu thập các mẫu vật cho các thí nghiệm của mình. Đến thời kỳ của Darwin, sự tham gia của công dân vào thu thập hóa thạch và thực vật đã trở thành phổ biến. Khoa học công dân cũng bắt nguồn từ những nỗ lực của những người dân đấu tranh cho việc bảo vệ cuộc sống của họ - ví dụ như những nông dân bị tiếp xúc với chất độc organophosphates đã thu thập bằng chứng để vận động cho trường hợp của họ, như đã mô tả trong cuốn sách của Alan Irwin năm 1995.

Cho đến hiện tại, Khoa học công dân đã phát triển song song với những tiến bộ về công nghệ và sự phổ cập rộng rãi trong đời sống hàng ngày của Internet và điện thoại thông minh. Với các ứng dụng trên điện thoại, các tình nguyện viên có thể dễ dàng xác định thực vật và động vật, đo nhiệt độ và chất lượng không khí, xác định màu sắc và kết cấu mà không cần chi tiền cho các công cụ nghiên cứu (Cohen K, Doubleday R., Meller M., 2021). 

2. Những lợi ích của thực hành Khoa học công dân

Giá trị của Khoa học Công dân nằm ở đóng góp của chúng vào kiến thức khoa học, những lợi ích đối với giáo dục, tác động xã hội và giá trị của nó đối với việc hoạch định chính sách.

Ở góc độ khoa học:

Ứng dụng Khoa học công dân trong nghiên cứu khoa học là cách làm giúp thu thập được những bộ dữ liệu có quy mô lớn và đa dạng, thường trong khoảng thời gian ngắn hoặc tại các khu vực địa lý rộng lớn. 

Từ lợi thế này, khoa học công dân thường được triển khai trong các chương trình giám sát thường niên dài hạn, ví dụ như nghiên cứu về mối quan hệ giữa sinh vật và hệ sinh thái hay nghiên cứu tác động của thay đổi môi trường (Goudeseune và cộng sự, 2020).

Trong đại dịch Covid, khả năng thu thập dữ liệu nhanh chóng cùng sự tham gia tự nguyện của công chúng là một điều vô giá. Tại một số cộng đồng và quốc gia, dự án khoa học công dân do các tổ chức độc lập thực hiện có thể được tín nhiệm cao hơn việc thu thập dữ liệu của chính phủ. 

Ứng dụng về triệu chứng Covid ZOE (Anh) là dự án khoa học công dân lớn về số lượng người tham gia, đóng góp vào việc phát hiện ra mất vị giác/khứu giác là một trong những triệu chứng của Covid-19, và mê sảng là một trong các triệu chứng ở người lớn tuổi (Birkin, Vasileiou, Stagg, 2021).

Ở góc độ giáo dục, xã hội: 

Tham gia vào các dự án khoa học, công dân sẽ được tạo điều kiện để tìm hiểu, thảo luận và thực hành các phương pháp, tiêu chuẩn và giá trị khoa học, từ đó phát triển khả năng hiểu biết khoa học tổng thể của họ. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của nghiên cứu khoa học trong việc giải quyết các vấn đề phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày cũng như các thách thức toàn cầu (Hecker và cộng sự, 2018).

Dự án Mammalweb (Anh) khuyến khích học sinh đặt bẫy ảnh (camera trap) để chụp hình các loài vật hoang dã xuất hiện trong khuôn viên trường. Đến cuối dự án, đa số học sinh đã kể tên được nhiều loài thú hoang dã ở Anh hơn trước (Lê My, 2020).

Karen Retra, một nhà nghiên cứu nghiệp dư trên ứng dụng iNaturalist, đã tận tụy thống kê các loài thụ phấn trong sân sau nhà mình hơn 10 năm qua. Với Karen, việc nghiên cứu đã khiến không ngày nào giống ngày nào. “Đây là cuộc chạy trốn tuyệt vời khỏi những muộn phiền của cuộc sống hằng ngày. Nó giúp bạn nhìn thế giới như một bức tranh lớn và cảm thấy sự kết nối với thiên nhiên” (Lê My, 2020).

Ở góc độ chính sách:

Nhờ có đặc điểm về khả năng huy động nguồn lực, khoa học công dân đã trở thành một phương pháp có thể thỏa mãn nhu cầu về nguồn dữ liệu có tính cập nhật và kịp thời của các nhà hoạch định chính sách. 

Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, báo cáo hàng năm của Liên bang về các loài chim đều tham khảo nguồn dữ liệu từ dự án khoa học công dân eBird để đánh giá tình trạng và sức khỏe của các loài chim phổ biến. Những thông tin này sau đó được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng để thiết kế báo cáo tiến độ về các cam kết quốc tế như Hiệp ước Chim di cư, đồng thời để đánh giá và hoàn thiện chính sách trong nước, ví dụ như chính sách sử dụng đất (Hecker và cộng sự, 2018).

KHCD.1.jpg

Nhận dạng chim là một trong những thực hành khoa học công dân lâu đời nhất trên thế giới (Nguồn: Avian Knowledge Northwest)

Dù vậy, không phải dự án Khoa học Công dân nào cũng đều tạo ra toàn bộ lợi ích đã nêu và từng dự án sẽ được thiết kế với các mục tiêu và tác động mong muốn cụ thể để tối đa hóa khả năng thành công của họ.

3. Một vài thử thách đối với các dự án Khoa học công dân:

- Chất lượng và độ tin cậy của nguồn dữ liệu được thu thập:

Thông tin kém chất lượng là một vấn đề không nên mắc phải trong nghiên cứu, nhưng khi lực lượng thu thập dữ liệu là những người không chuyên nghiệp, điều này có thể trở thành mối lo ngại. Hai trong số nhiều nguyên nhân cần khắc phục là thiên vị khi lựa chọn mẫu và sai quy trình nghiên cứu.

Graham Smith, nhà sinh vật học chuyên tiếp nhận hình ảnh người dân chụp cho Cộng đồng thú có vú tại London (Anh), đưa ra một ví dụ: những người đi dạo ngày chủ nhật thường không để tâm đến bọn thỏ xuất hiện trên đường nhưng nhất định sẽ chộp lấy những cảnh ấn tượng hơn, như một con rái cá chẳng hạn! (Lê My, 2020).

Để đảm bảo chất lượng của nguồn dữ liệu, bốn khía cạnh sẽ cần cân nhắc bao gồm: thiết kế quy trình rõ ràng dễ hiểu; đào tạo bài bản tình nguyện viên; giám sát tại chỗ bởi các chuyên gia; và xác nhận dữ liệu và mẫu vật thu được (Bergmann, Gutow, Klages, 2015).

- Bài toán để người dân gắn bó lâu dài với dự án:

Việc duy trì được sự cam kết tham gia và tính bền vững của một dự án thường không dễ đảm bảo. Giải pháp cho vấn đề này cần hướng đến việc nắm bắt và giao tiếp về kỳ vọng của tình nguyện viên trong dự án, và duy trì được động lực tham gia của họ. 

- Tính bảo mật thông tin:

Trong các đánh giá về khoa học công dân, từ khóa mà giới phản biện thường sử dụng là về “bảo mật thông tin”. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở vì một đặc tính của mô hình này là dữ liệu được chia sẻ công khai, ít nhất là với những thành viên tham gia đã cung cấp thông tin cho dự án. Vì vậy, vấn đề niềm tin có thể trở thành điều kiện để công chúng quyết định tham gia dự án hay không (Lê My, 2020).

Với sự mở rộng nhanh chóng của các chương trình khoa học công dân trên toàn cầu, Hiệp hội Khoa học công dân EU (ECSA) đã phát triển mười nguyên tắc làm cơ sở để đánh giá những thực hành tốt về khoa học công dân, nâng cao chất lượng của các dự án trên mọi khía cạnh.

4. Khoa học công dân về giám sát rác thải biển:

Rác thải biển là các chất liệu rắn do con người sản xuất hoặc chế biến và tồn tại lâu trong môi trường, bị con người cố tình vứt xuống biển, sông, bãi biển; được đưa gián tiếp ra biển bằng sông, nước thải, nước mưa hoặc gió. 

Giám sát là hoạt động cần thiết để giải quyết các câu hỏi về rác thải biển, bao gồm cả vi nhựa. Nó có vai trò trong việc đánh giá tình trạng hoặc mức độ ô nhiễm; cung cấp thông tin khách quan để thiết kế các biện pháp giảm thiểu; đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã có; và thúc đẩy quản lý thích ứng (GESAMP, 2019).

Giám sát rác thải được thiết kế ra sao sẽ dựa vào mục tiêu của dự án, và điều này được xác định bởi các câu hỏi liên quan đến mối quan tâm về chính sách, ví dụ như: mức độ dày đặc của rác thải; loại và nguồn gốc của chúng; nhận diện các điểm nóng rác; đặt ra mục tiêu của các biện pháp giảm thiểu; ảnh hưởng của rác đại dương đối với sinh vật biển v.v. (GESAMP, 2019).

Để các dự án khoa học công dân đảm bảo chất lượng của dữ liệu thu thập được, các dự án cần đào tạo và hướng dẫn cho các tình nguyện viên về phương pháp và công nghệ. Bonney và cộng sự (2009) xác định rằng tiêu chí để một dự án khoa học công dân tạo ra dữ liệu đáng tin cậy được xác định bởi: phương pháp lấy mẫu đơn giản, cách ghi dữ liệu rõ ràng và sự sẵn có của các nguồn lực bổ sung cho hoạt động. Thông qua việc thực hành các nguyên tắc này, các dự án khoa học công dân tập trung vào rác thải ven biển đã thiết kế các phương pháp có thể sử dụng nhiều lần và bộ dữ liệu lớn của các tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi, từ học sinh trung học ở Bahamas đến học sinh tiểu học ở Chile (Ammendolia, Walker, 2022).

Tại Việt Nam, từ năm 2016 – 2018, GreenHub cùng IUCN Việt Nam, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức phi chính phủ khác tổ chức bốn chiến dịch “Hành động vì Hạ Long xanh” ở khu vực Áng Dù và Vụng Hà, Vịnh Hạ Long với con số 6,311 kg rác được thu gom và 652 tình nguyện viên tham gia (GreenHub, 2020).

Năm 2020 -2021, World Bank cộng tác cùng GreenHub đã thực hiện khảo sát hiện trạng ô nhiễm nhựa tại các địa điểm ven biển và bờ sông tại 10 tỉnh và thành phố Việt Nam. Nghiên cứu này là một trong những nỗ lực để thu thập thông tin về nhóm 10 loại rác thải nhựa tìm thấy nhiều nhất trong môi trường tại Việt Nam. Cuộc khảo sát đã cung cấp góc nhìn tổng quan về sự rò rỉ nhựa tại miền Bắc, Nam và Trung Việt Nam; đồng thời so sánh lượng rác rò rỉ tại các địa điểm khảo sát tại đô thị với nông thôn, cũng như các khu vực bờ sông và ven biển (World Bank, 2021).

KHCD.2.jpg

Phân loại rác thải (Nguồn: GreenHub)

Khoa học công dân và các hoạt động đi kèm, chẳng hạn như làm sạch bãi biển (beach clean-ups), không chỉ cung cấp phương thức thu thập dữ liệu hiệu quả về chi phí mà còn tạo cơ hội để nâng cao nhận thức và hành động về các vấn đề liên quan đến rác biển. Từ kinh nghiệm đã qua, các chương trình giám sát rác thải tại Việt Nam trong thời gian gần đang dần được nâng cấp, nhân rộng và đóng góp vào việc cung cấp dữ liệu, các kiến thức và phân tích để hỗ trợ xây dựng chiến lược, chính sách và kêu gọi đầu tư nhằm tăng cường công nghệ quản lý rác thải nhựa.

 

Nguồn tham khảo:

Ammendolia, J., Walker, T. R. (2022). Citizen science: A way forward in tackling the plastic pollution crisis during and beyond the COVID-19 pandemic. The Science of the total environment, 805, 149957. https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2021.149957. 

Bergmann M., Gutow L., & Klages M. (2016). Marine Anthropogenic Litter. Springer Publishing.

Birkin L.J., Vasileiou E., Stagg H.R. (2021). Citizen science in the time of COVID-19. Thorax, 76(7), 636-637. https://thorax.bmj.com/content/76/7/636.

Hecker S., Haklay M., Bowser A., Makuch Z., Vogel J., & Bonn A. (Eds.). (2018). Citizen Science: Innovation in Open Science, Society and Policy. UCL Press. http://www.jstor.org/stable/j.ctv550cf2.

GESAMP (2019). Guidelines or the monitoring and assessment of plastic litter and microplastics in the ocean (Kershaw P.J., Turra A. and Galgani F. editors), (IMO/FAO/UNESCO-IOC/UNIDO/WMO/IAEA/UN/UNEP/UNDP/ISA Joint Group of Experts on the Scientific Aspects of Marine Environmental Protection). Rep. Stud. GESAMP No. 99, 130p. https://wesr.unep.org/media/docs/marine_plastics/une_science_dvision_gesamp_reports.pdf

Goudeseune L., Eggermont H., Groom Q.,  Le Roux X., Paleco C., Roy H.E., van Noordwijk C.G.E. (2020). BiodivERsA Citizen Science Toolkit For Biodiversity Scientists. BiodivERsA report, 44 pp. https://doi.org/10.5281/zenodo.3979343.

GreenHub (2020). Khảo sát và giám sát rác thải ven biển Việt Nam. https://greenhub.org.vn/wp-content/uploads/2020/11/2.-GreenBays-Viet-ver.pdf.

GreenHub .(2021). Báo cáo dự án – Khảo sát Hiện trạng ô nhiễm Rác thải nhựa tại Việt Nam.

Cohen K, Doubleday R., Meller M. (2021). Future directions for citizen science and public policy: Introduction. In K. Cohen (Ed.). ). Future directions for citizen science and public policy (pp.12-25). Cambridge.

Lê, M. (2020). Mô hình “khoa học công dân”: Ai cũng có thể làm khoa học. Tuổi trẻ cuối tuần. https://cuoituan.tuoitre.vn/van-de-su-kien/mo-hinh-khoa-hoc-cong-dan-ai-cung-co-the-lam-khoa-hoc-1556548.html.

(Nguồn: GreenHub)

Bình luận bài viết Tìm hiểu về khoa học công dân và ứng dụng của nó trong giám sát rác thải biển Bình luận bài viết ({{commentCount ? commentCount : 0}})


Viết bình luận Tìm hiểu về khoa học công dân và ứng dụng của nó trong giám sát rác thải biển Ý kiến của bạn

{{formCommentErrors.user_name}}
{{formCommentErrors.user_email}}
{{formCommentErrors.content}}