15/04/2022
553
I. Hiện trạng chung
Trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa trong năm 2020 giảm 2,2% so năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến cũng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch (OECD, 2022).
Với Việt Nam, lượng chất thải rắn quốc gia phát sinh tăng mạnh trong những năm gần đây do sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế và thay đổi thói quen lối sống. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) (2012, 2019), lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc tăng 46% từ khoảng 44.400 tấn / ngày năm 2011 lên 64.658 tấn / ngày năm 2019 (tương đương 0,67 kg / người / ngày nếu xét dân số Việt Nam ở năm 2019 là 96.484 nghìn người). Một báo cáo khác từ Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) ước tính tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên toàn quốc là 0,75 kg/ đầu người/ ngày vào năm 2018. Con số này dự kiến là 0,98 kg/đầu người/ngày vào năm 2030 (NPAP, 2018).
Về mặt chính sách, nhìn một cách tổng thể pháp luật và chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương cho thấy hệ thống pháp lý cho thấy hệ thống pháp lý chưa coi chất thải nhựa là mối đe dọa đáng kể dù mức độ rò rỉ lớn của chúng ra môi truờng. Chất thải nhựa được quản lý như các loại chất thải rắn khác mà thẩm quyền quản lý bị phân tán cho nhiều cơ quan chức năng. Hệ quả là sự thiếu vắng một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy và có khả năng đối chiếu sẵn sàng cho sử dụng giữa các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho bất kỳ can thiệp dựa trên bằng chứng nào. Thêm nữa, ở Việt Nam, các luật chỉ đưa ra khuôn khổ chung trong khi các quy định hướng dẫn được ban hành bởi các cơ quan chính phủ và các bộ đóng vai trò quyết định trong việc thực thi (Phuong, N. H., 2020).
II. Các cơ quan quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam
Hình 1. Các cơ quan liên quan trong quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa tại Việt Nam
Nguồn: Khung luật pháp, chính sách và thể chế quản trị rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam (Phuong, N. H., 2020)
Do sự đa dạng trong phân loại chất thải rắn (bao gồm cả chất thải nhựa), có ít nhất sáu Bộ trực tiếp tham gia quản lý chất thải và được thực hiện bởi ba cấp chính quyền địa phương, gồm cấp tỉnh, huyện và xã. Sự chồng chéo và xung đột giữa các hướng dẫn ở cấp bộ kết hợp với bối cảnh kinh tế xã hội từng địa phương dẫn đến sự hạn chế trong việc thực thi các chính sách và pháp luật. Ðể giải quyết tình trạng này, đầu năm 2019, Chính phủ đã yêu cầu tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải rắn bằng cách giao cho Bộ Tài nguyên và Môi truờng (TNMT) làm đầu mối thống nhất quản lý nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đang trong quá trình thực hiện vì cần thời gian cho sửa đổi khung pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tất cả các Bộ liên quan và sắp xếp lại các nguồn nhân lực tương ứng (Phuong, N. H., 2020).
III. Các chính sách ở cấp quốc gia liên quan đến chất thải rắn/chấy thải nhựa
Đối với chất thải nhựa, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, bao gồm:
Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2020 và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2022, trong đó có chương riêng về quản lý chất thải và các chất gây ô nhiễm khác (Chương VI), trong đó có 01 điều riêng (Điều 73) quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và yêu cầu về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (Điều 75). Luật cũng đưa ra quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (Điều 55).
Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trách nhiệm của nhà tái chế, nhà nhập khẩu, thu gom – xử lý chất thải rắn theo khối lượng.
Luật Thuế Bảo vệ Môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, trong đó túi ni lông khó phân hủy là một trong các đối tượng sản phẩm phải chịu thuế (Điều 3).
Các văn bản hướng dẫn đã được ban hành như Thông tư 159/2012/TT-BTC ngày 28 tháng 09 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư 152/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 67/2011/NĐ-CP có quy định chi tiết: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin). Ngoại trừ: bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường (Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Luật này, mỗi kg túi ni lông khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế.
Thực hiện Luật Thuế BVMT năm 2010 và Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế BVMT, ngày 04 tháng 07 năm 2012 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hanh Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường. Theo đó, Thông tư quy định túi ni lông (túi nhựa) thân thiện với môi trường phải đáp ứng các tiêu chí sau: Có độ dày một lớp màng lớn hơn 30 µm (micrômét), kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20 cm (xăngtimét) và tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi ni lông phải có kế hoạch thu hồi, tái chế; hoặc có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 02 năm. Túi ni lông có hàm lượng tối đa cho phép của các kim loại nặng : As 12 mg/kg; Cd 2 mg/kg; Pb 70 mg/kg; Cu 50 mg/kg; Zn 200 mg/kg; Hg 1 mg/kg; Ni 30 mg/kg. Các cơ sở sản xuất túi ni lông phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT.
Bộ TN&MT đã xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg trong đó xác định đơn vị chủ trì, thời gian thực hiện. Các nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa được giao cho Tổng cục Môi trường, Vụ pháp chế và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Chương trình đã xác định các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 liên quan đến chất thải nhựa, bao gồm:
- Xây dựng chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể: các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất bền vững, thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng cho các ngành sản xuất; các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về nhãn sinh thái; các tiêu chuẩn về du lịch bền vững; các tiêu chuẩn về nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế; xây dựng ít nhất 10 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; các chính sách thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; các quy định về mua sắm công xanh;
- 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Mục tiêu đến năm 2030: (i) hoàn thiện và thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững; (ii) 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.
Hình 2: Các siêu thị đẩy mạnh triển khai các chương trình sử dụng túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường
Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.
Cụ thể, đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.
Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: (i) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; (ii) Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển; (iii) Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn và (iv) Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương và (v) điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Chiến lược đã đề cập chỉ tiêu cụ thể giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy cụ thể như sau: Sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, hàng tiêu dùng phục vụ cho mục đích sinh hoạt để không phát thải túi ni lông không thân thiện với môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đã đưa ra nhiệm vụ “Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông không thân thiện với môi trường kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, hàng tiêu dùng phục vụ cho mục đích sinh hoạt”. Để thực hiện các nhiệm vụ đó cần phối hợp các giải pháp và có lộ trình cụ thể, bước đầu là hạn chế sau đó là tiến tới loại bỏ nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, cụ thể giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp văn phòng… quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư tập trung nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.
Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg, trong đó giao trách nhiệm cho từng Bộ, ngành trong quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo đó, Bộ TN&MT là đầu mối hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần. Bộ TN&MT cũng được giao rà soát và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa và túi ni-lông; ban hành các quy chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa nhựa tái chế bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi ni-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế nhất định;
Bộ Tài chính được giao là đầu mối trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc; đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi ni lông thân thiện môi trường.
Các Bộ khác: Công thương Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối triển khai các hoạt động về chất thải nhựa theo chức năng nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các hoạt động liên quan đến giảm rác thải nhựa tại địa phương.
Kết luận
Thời gian gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tập trung khắc phục vấn đề ô nhiễm nhựa, tiêu biểu là Luật bảo vệ môi trường 2020 với các quy định về công tác phân loại, thu gom, thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, khuyến khích hoạt động tái chế, tái sử dụng, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế nhập khẩu sản phẩm nhựa, phế liệu nhựa. Thực hiện hiệu quả các quy định này sẽ mang đến một bước tiến mới trong công tác quản lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
NGUỒN THAM KHẢO
Bộ TNMT. (2012). Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2011.
Bộ TNMT. (2020). Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2019.
Nguyễn, T.T., Bùi, T.T.H., Chu, T.C. (2019) Initial assessment of current situation of waste pollution in some coastal sandbanks in Vietnam
NPAP. (2018). Plastic Baseline Presentation
OECD. (2022). Global Plastics Outlook: Economic Drivers, Environmental Impacts and Policy Options, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/de747aef-en.
Phuong, N. H. (2020). Khung luật pháp, chính sách và thể chế quản trị rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam. Bonn, Germany: IUCN Environmental Law Centre. 18pp.
Tạ Linh Chi (tổng hợp)
Bình luận bài viết ({{commentCount ? commentCount : 0}})
{{item.user_name}}
{{item.content}}
{{datetime(item.created_time * 1000, 'DD/MM/YYYY HH:mm:ss')}}
Vui lòng Đăng nhập để viết trả lời của bạn
{{child.admin_reply ? 'Admin' : child.user_name}}
{{child.content}}
Ý kiến của bạn