Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với vấn nạn rác thải nhựa đại dương khi là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Nhân dịp Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc diễn ra vào 28/2 này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam .
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
- Xin ông cho biết, vì sao vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cần đến một khung thoả thuận toàn cầu?
Ông Nguyễn Quế Lâm: Do bản chất của chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, trao đổi thương mại dẫn tới chất thải nhựa và dòng chảy của nhựa ra đại dương, thách thức về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương là xuyên biên giới và trên phạm vi toàn cầu. Không quốc gia nào có thể một mình giải quyết một cách thỏa đáng các khía cạnh khác nhau của thách thức ô nhiễm nhựa đại dương.
Do đó, một khung thỏa thuận toàn cầu, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), dựa trên một tầm nhìn chung và rõ ràng với các mục tiêu tham vọng, các chỉ số phù hợp và các biện pháp cụ thể; một khuôn khổ hợp tác quốc tế cân bằng bao gồm các hành động phối hợp với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm các Chính phủ, các ngành công nghiệp, cộng đồng khoa học, các tổ chức xã hội,… để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, có tính đến điều kiện cũng như nhu cầu cụ thể của các quốc gia là cần thiết.
Khác với những cam kết về môi trường và khí hậu khác, Việt Nam tham gia khi thế giới đã có đủ các nội dung của công ước; Với thỏa thuận này, Việt Nam là nước tiên phong, cùng các quốc gia xây dựng khung hiệp ước toàn cầu. Vậy vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề giảm rác thải nhựa đại dương là gì? Và chúng ta đã thực hiện vai trò của mình như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Quế Lâm: Có thể thấy quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và thống nhất về việc xây dựng một khung thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Cụ thể tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó một trong những mục tiêu quan trọng Chiến lược đặt ra là đến năm 2030: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Một trong những giải pháp trong Chiến lược là “Nghiên cứu tham gia các điều ước quốc tế quan trọng về biển, trước mắt ưu tiên các lĩnh vực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2026 - 2030: xây dựng và thực hiện “Đề án thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Tại các diễn đàn quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, chúng ta đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng và đồng hành cùng với quốc tế trong các tiến trình nhằm hướng tới một khung thoả thuận toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Trong năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG). Tại Phiên họp AHEG lần thứ 3, Việt Nam đã thể hiện quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề đáng quan tâm. Các thách thức về rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi các giải pháp và sáng kiến toàn cầu phù hợp với các ưu tiên vùng và quốc gia”.
Khoảng 2.150 loài sinh vật biển đã tiếp xúc với nhựa (ảnh WWF)
Đồng thời, vào tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Với việc thông qua Tuyên bố này, Việt Nam đã tiến thêm bước nữa trong việc tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị của mình với cộng đồng quốc tế, góp phần gửi tín hiệu mạnh mẽ tới UNEA-5.2 về sự ủng hộ rộng rãi đối với việc thành lập Ủy ban Đàm phán liên chính phủ để bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng và thực thi thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, Việt Nam đã làm được những gì trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Quế Lâm: Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực cần thiết và thiết lập cơ chế điều phối các bộ, ngành và địa phương liên quan trong quá trình Việt Nam đàm phán, tham gia thoả thuận; từ đó bảo đảm quyền và lợi ích cao nhất của quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương, và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng thỏa thuận, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (Đề án).
Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.
Với 6 nhiệm vụ chính được đưa ra bao gồm: (i) Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; (ii) Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; (iii) Bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán, (iv) Thiết lập cơ chế điều phối; (v) Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; (vi) Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia, Đề án hướng tới mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.
Tích cực tổ chức các hoạt động thu gom rác thải nhựa trên biển
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao là cơ quan chủ trì tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án. Chúng tôi đang tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Xin ông cho biết, một số những nội dung cốt lõi mà thỏa thuận khung đưa ra thảo luận trong lần này là gì? Và đối với Việt Nam, khi thực hiện những thỏa thuận này có khó khăn gì hay không? Cần có những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quế Lâm: Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) với rất nhiều các cuộc họp trù bị đã được thực hiện trong các ngày 21-25/02/2022. Tại Phiên họp thứ 2 của Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban Đại diện thường trực mở rộng thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (OECPR-5.2), trong đó đã đưa ra thảo luận, xem xét chi tiết nội dung của các dự thảo Nghị quyết và quyết định được đệ trình để thông qua tại UNEA-5. Nội dung liên quan đến khung thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương đã được đưa ra thảo luận, xem xét dựa trên nội dung của 3 dự thảo Nghị quyết bao gồm: (i) Dự thảo Nghị quyết do Peru và Rwanda đề xuất về việc thành lập Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ để đàm phán về thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa; (ii) Dự thảo Nghị quyết về Công cụ pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương do Nhật Bản đề xuất; và (iii) Dự thảo Nghị quyết về Khung giải quyết ô nhiễm sản phẩm nhựa bao gồm ô nhiễm từ sản phẩm nhựa dùng một lần do Ấn Độ đề xuất.
Các cuộc thảo luận tại OECPR-5.2 lần này tiếp tục tập trung vào các nội dung cốt lõi của khung thoả thuận như: Phạm vi của khung thoả thuận (công cụ) được đề xuất: đây sẽ là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, tự nguyện hay cả hai? Công cụ sẽ giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương hay ô nhiễm nhựa nói chung? Có bao gồm rác thải vi nhựa không? Khuôn khổ giải quyết ô nhiễm sản phẩm nhựa bao gồm ô nhiễm từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; Phạm vi, khung thời gian của việc thành lập Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC) được đề xuất; Chi tiết các định nghĩa, phương pháp, tiêu chuẩn và quy định chung; Cơ chế đo lường, báo cáo, theo dõi và đánh giá; Cơ chế tài chính và kỹ thuật toàn cầu, cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ,…
Việt Nam nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một khung thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa đại dương có tính đến điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của mỗi nước. Ô nhiễm nhựa đại dương là thách thức chung của cộng đồng quốc tế song lại càng nghiêm trọng hơn đối với các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và các nước kém phát triển.
Nhóm các nước này chiếm phần lớn và phải chịu nhiều áp lực từ gia tăng dân số, phát triển kinh tế trong khi trình độ sản xuất và công nghệ chưa phát triển. Do đó, Thoả thuận cần đảm bảo cơ chế nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản lý, xây dựng chính sách và pháp luật; đảm bảo chuyển giao công nghệ; cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất. Việc thực hiện Thỏa thuận cũng cần có lộ trình và giải pháp phù hợp với từng nước khác nhau để thực hiện chuyển đổi trong hệ thống sản xuất, cung ứng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa một cách hiệu quả.
Ảnh cung cấp bởi WWF
Quan điểm chung của phía Việt Nam trong quá trình đàm phán là các thách thức của ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực và của Việt Nam. Chúng ta ủng hộ và sẵn sàng tham gia cùng với các quốc gia và các bên liên quan để xây dựng một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương trong sạch và vì một thế giới phát triển bền vững.
Để có thể thuận lợi thông qua thỏa thuận bộ khung tổng thể cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm nhựa, với sự đồng thuận và chung tay của tất cả các quốc gia, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện các giải pháp, theo ông thời điểm này chúng ta cần tập trung vào các vấn đề nào?
Ông Nguyễn Quế Lâm: Đây là chính thời điểm thích hợp để ủng hộ việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ nhằm bắt đầu tiến trình đàm phán cho một Thoả thuận toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Một văn kiện được thống nhất tại UNEA-5 sẽ gắn kết nỗ lực và sức mạnh của tất cả các quốc gia và bên liên quan để thực hiện mục tiêu chung là kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa, làm trong sạch đại dương, bảo vệ nguồn sống của chúng ta. Nỗ lực quốc tế này sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển; thực thi UNCLOS; cũng như góp phần thực hiện Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái và Thập kỷ khoa học đại dương về phát triển bền vững của liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững 2021-2030.
Đối với Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tiếp tục tích cực tham gia đàm phán xây dựng văn kiện cùng với tất cả các quốc gia; đồng thời kêu gọi các bên liên quan bao gồm các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu cùng tích cực tham gia đóng góp các sáng kiến, tạo điều kiện thuận lợi để đàm phán xây dựng văn kiện thành công. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thực hiện các cam kết tại các diễn đàn khu vực và toàn cầu trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương; tiếp tục tìm hiểu và theo dõi quan điểm của các quốc gia đối với việc xây dựng thoả thuận toàn cầu này để từ đó có những nghiên cứu, trao đổi thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội đàm nhằm thống nhất các quan điểm chung.
Và như đã nhắc đến ở trên, việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương là rất quan trọng nhằm bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.
Kim Liên
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
Bình luận bài viết ({{commentCount ? commentCount : 0}})
{{item.user_name}}
{{item.content}}
{{datetime(item.created_time * 1000, 'DD/MM/YYYY HH:mm:ss')}}
Vui lòng Đăng nhập để viết trả lời của bạn
{{child.admin_reply ? 'Admin' : child.user_name}}
{{child.content}}
Ý kiến của bạn